Thời gian cũng như chất lượng của bề mặt chống dính luôn là nỗi lo của những bà nội trợ khi chọn mua chảo. Hôm nay, chúng tôi sẽ hướng dẫn mọi người về cách sử dụng chảo chống dính sao cho tối ưu và hiệu quả nhất. Để bảo đảm chảo chống dính luôn được bền đẹp và an toàn khi sử dụng, người nội trợ cần lưu ý thói quen sử dụng của mình, giúp bảo vệ tốt lớp chống dính trên bề mặt chảo không bị bong tróc, an toàn cho sức khỏe khi sử dụng chảo.
Đổ dầu vào chảo trước khi chảo nóng
Mọi người thường có thói quen để chảo trên bếp thật nóng rồi mới đổ dầu vào chảo để rán, chiên. Nhưng việc làm này chỉ thích hợp khi sử dụng các loại chảo nhôm, gang thông thường. Khi sử dụng chảo chống dính, một thói quen cần được thay đổi là nên đổ dầu vào chảo trước khi đặt trên bếp lửa, bởi lẽ nhiệt độ quá nóng trong chảo khi đổ dầu sẽ làm ảnh hưởng đến lớp chống dính, nếu thường xuyên sẽ gây bong lớp chống dính, gây độc hại cho người sử dụng và làm giảm tuổi thọ cũng như chất lượng chảo.
Sử dụng lượng vừa đủ dầu, mỡ, bơ khi chiên, rán
Vì chảo chống dính có đặc tính chống dính rất tốt, giúp thức ăn không bị bám dính vào lòng chảo khi sử dụng chiên, rán…. Để tạo hương vị cho món ăn, cần thiết bạn chỉ sử dụng một lượng nhỏ các chất này, vừa tiết kiệm, vừa tốt cho sức khỏe và an toàn cho chảo vì lượng dầu mỡ sẽ làm gia tăng nhiệt độ khi sử dụng chảo chống dính.
Với chảo chống dính, thậm chí bạn còn có thể không sử dụng dầu ăn hay bơ, mỡ động vật khi sử dụng.
Nấu ở nhiệt độ thấp hoặc trung bình
Trên thị trường hiện nay có khá nhiều loại chảo chống dính bằng Teflon, Ceramic, vân đá hoa cương, kim cương... Tùy vào chất lượng lớp chống dính mà chảo có thể chịu được mức nhiệt khác nhau.
Các loại chảo thường có lớp chống dính chịu được nhiệt độ khoảng 250 độ C khá an toàn khi đun nấu thông thường. Tuy nhiên, nên lưu ý rằng ở nhiệt độ cao chất chống dính sẽ bắt đầu bị phân hủy và gây hại cho sức khỏe. Vì thế, tùy vào chất liệu và chất lượng chảo chống dính mà khi sử dụng cần lưu ý điều chỉnh mức nhiệt hợp lý. Tốt nhất chỉ để lửa cháy ở trung tâm đáy chảo, không cháy lan lên thành chảo. Sử dụng ở mức nhiệt trung bình và thấp sẽ đảm bảo tốt nhất cho tuổi thọ của chảo chống dính.
Không dùng chảo để nướng hoặc kho
Dù lớp chống dính tốt, cao cấp, nhưng nếu sử dụng chảo chống dính để kho và nướng thức ăn, lớp chống dính sẽ nhanh bị hư hại và bong tróc do nhiệt độ cao.
Không nêm mắm muối trực tiếp khi đang sử dụng chảo
Thói quen chiên xào và nêm mắm muối ngay trong chảo để tiết kiệm thời gian của người nội trợ không nên áp dụng trên chảo chống dính. Việc này sẽ khiến bề mặt chảo dễ bị rỗ, hư hại lớp chống dính và giảm tuổi thọ chảo.
Sử dụng dụng cụ nấu ăn bằng gỗ, silicon cho chảo chống dính
Các dụng cụ nấu ăn như thìa, muỗng gỗ, silicon sẽ không làm trầy xước bề mặt chảo như các dụng cụ bằng nhôm, inox. Còn các dụng cụ bằng nhựa sẽ không an toàn khi sử dụng dưới nhiệt độ cao. Vì thế, hãy chọn chất liệu gỗ, silicon cho dụng cụ nấu nướng sử dụng với chảo chống dính.
Vệ sinh chảo chống dính
Khi mua về, bạn nên rửa chảo chống dính qua 1-2 lần nước rửa chén, sau đó bôi một lớp cà phê lên mặt chảo và hâm nóng. Như thế chảo sẽ được rửa sạch an toàn và không có mùi khó chịu. Nếu được bạn có thể thao tác bảo dưỡng như thế sau 10-12 lần sử dụng sẽ giúp chảo không bị dính và rửa dễ dàng hơn.
Sử dụng miếng rửa chén mềm để không làm trầy xước bề mặt chống dính của chảo. Sau khi sử dụng nên để chảo nguội hẳn rồi rửa ngay để giữ độ bền của chảo cũng như không để thức ăn bám vào chảo quá lâu gây khó vệ sinh.
Nếu được nên rửa chảo bằng nước ấm sẽ dễ loại bỏ dầu mỡ và cặn thức ăn thừa hơn. Không nên rửa chảo chống dính dưới máy rửa chén vì có thể làm hư hại chảo.
Bảo quản chảo chống dính
Việc treo chảo giúp cho chảo được bảo quản tốt nhất. Nước thừa sau khi rửa chảo sẽ nhanh chóng biến mất. Việc treo chảo còn giúp tránh việc các mẹ có thói quen chồng các loại nồi xoong lên nhau và chồng lên chảo. Khi gặp sức nặng lớn chảo dễ bị bóp méo, và làm hư chảo. Chảo bị móp méo sẽ khiến dầu ăn và nhiệt độ phân tán không đều khi sử dụng, ảnh hưởng đến độ bền.